Kinh nghiệm viết lên từ thực tế du học

Thứ ba - 16/01/2018 18:26 1.705 0
Kinh nghiệm viết lên từ thực tế du học

Kinh nghiệm viết lên từ thực tế du học


Bên cạnh niềm vui, niềm phấn chấn và vô vàn những dự định cho riêng mình có lẽ là những băn khoăn, hồi hộp, những lo lắng không biết cuộc sống học tập ở môi trường mới sẽ như thế nào, nhất là với một đất nước phồn hoa, hiện đại và có nhịp sống nhanh đến chóng mặt như Nhật Bản, vì thế kinh nghiệm của những người đi trước chính là món quà giá trị nhất.Các kinh nghiệm học tập trong các bậc học tại Nhật Bản, dựa trên những điều mà nhiều du học sinh đã đúc rút ra trong thời gian đã học tập tại đất nước hoa anh đào. Chúng tôi không thể truyền tải hết một cách chi tiết các kinh nghiệm trong quá trình học tập, mà chỉ giới thiệu một cách khái quát những phần tâm đắc và thiết yếu nhất, giúp các bạn hình dung cụ thể hơn về cuộc sống du học. Những điều chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo thêm ở các nguồn khác hoặc qua các lưu học sinh có kinh nghiệm và tự trải nghiệm khi bạn đặt chân đến Nhật Bản. Hy vọng rồi đây kinh nghiệm của chính bạn sẽ làm giàu thêm tài sản này và lại được truyền tải cho các lớp du học sinh đi sau.

1. Kinh nghiệm trong thời gian học tiếng Nhật
Thời gian học tiếng Nhật là thời gian rất quan trọng trong quá trình du học. Trên nhiều phương diện, nó quyết định cuộc sống du học của bạn trong suốt những năm sau. Đây là thời gian quý báu để bạn tập trung học tiếng Nhật, tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản, làm quen và gây dựng cơ sở cho cuộc sống du học. Với những sinh viên du học tự túc, đây còn là quãng thời gian đầy thử thách do phải tự vật lộn để trang trải mọi chi phí trong khi còn rất bỡ ngỡ. Những sinh viên du học theo học bổng toàn phần có điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt, và thời gian học tiếng Nhật sẽ chắc chắn là thời gian để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Trong khi phần lớn các trường tiếng Nhật tập trung ở 2 khu vực đô thị lớn là Tokyo và Osaka thì các trường đại học, cao đẳng và trung cấp lại nằm rải rác khắp nước Nhật. Nếu bạn chọn vào hoặc được phân về một trường tại địa phương thì đây còn là thời gian quí báu để bạn làm quen với chốn phồn hoa. Với sinh viên du học bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, do đại đa số phải học chuyên môn bằng tiếng Nhật nên thường phải tham gia các khoá học tiếng Nhật tập trung trong khoảng 1 năm. Sinh viên sau đại học có thể không phải học tiếng Nhật hoặc theo các khoá chừng 6 tháng với cường độ thấp hơn. Nhiều sinh viên sau đại học có xu hướng dùng tiếng Anh trong giao tiếp với giáo sư hướng dẫn. Thời gian đầu sẽ khá thuận tiện nhưng xét về mặt lâu dài lại là yếu tố bất lợi: bạn không thể phát triển tốt được tiếng Nhật. Khi đi lại, giao tiếp với người Nhật khác, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi có giấy tờ, văn bản liên quan đến bạn được gửi đến, bạn sẽ không thể đọc được, và lúc nào cũng phải hỏi người khác, rất bất tiện. Nếu thầy giáo muốn nói bằng tiếng Anh, bạn có thể giao tiếp với thầy bằng thứ ngôn ngữ này, rồi cố gắng hết sức dành thời gian để học tốt tiếng Nhật và mạnh dạn sử dụng. Bạn có thể sử dụng xen lẫn cả tiếng Anh, nếu bạn không biết ngay các từ vựng đó.

Trong thời gian ở Nhật Bản, ngoài tấm bằng, nếu bạn có một trình độ tiếng Nhật lưu loát, bạn sẽ có điều kiện tạo mối quan hệ tốt với các giáo sư, bạn bè Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ, làm ăn trong tương lai. Sau khi về nước, với khả năng chuyên môn và tiếng Nhật trôi chảy, bạn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi và ưu thế hơn hẳn những người không biết tiếng. Ngoài ra, trong những tháng năm dài ở Nhật Bản, tiếng Nhật còn giúp bạn giảm căng thẳng, vơi bớt nỗi buồn xa nhà… khi bạn có thể hiểu các chương trình tivi, đài, đọc sách, và có nhiều bạn bè Nhật Bản. Nếu bạn chưa bao giờ học tiếng Nhật tại Việt Nam, hoặc chỉ có sự chuẩn bị chút ít, bạn sẽ cảm thấy đây là một ngôn ngữ khó và đôi khi nản lòng.

Tuy nhiên, sau khi vượt qua những cửa ải đầu tiên, bạn sẽ dần tự tin và cảm nhận được những lợi ích sát sườn khi giao tiếp được bằng tiếng Nhật trong sinh hoạt. Theo kinh nghiệm từ lưu học sinh thì trong 3 tháng đầu tiên bạn sẽ khá vất vả, nhưng sau đó thì bạn sẽ quen dần và thấy tiếng Nhật dễ nhớ, dễ học hơn. Ngữ pháp tiếng Nhật khác nhiều so với tiếng Việt, trong đó cách sử dụng động từ và trợ từ tương đối phức tạp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết